(ĐỌC để TỈNH lại…)
Chúng ta đang sống giữa một thế hệ mà sự cợt nhả không còn là một hành vi cá biệt, mà gần như đã trở thành một phong cách sống phổ biến. Họ mang dáng vẻ của những người “tự do”, nhưng thật ra lại không hề biết tự trọng. Họ đùa giỡn với mọi thứ – từ công việc, học hành, đến tình yêu và cả trách nhiệm làm cha mẹ. Họ dễ dãi trong cách cư xử, hời hợt trong suy nghĩ, và coi thường những giá trị nghiêm túc như sự chuyên nghiệp, kỷ luật, hay lòng biết ơn.
1/ Trong môi trường tuyển dụng, không ít người trẻ nhắn tin cho nhà tuyển dụng chỉ bằng một chữ “ib”, hoặc chấm một dấu “.” như thể người ta phải hiểu ngầm và tự động trao cơ hội. Khi không được hồi đáp, họ than thở thị trường khó khăn, công ty chảnh chọe, nhưng hiếm ai tự hỏi: “Liệu mình có đang tử tế như mình vẫn tưởng?”. Người ta quên mất rằng, cách mình nói câu đầu tiên đã là tấm danh thiếp đầu tiên rồi.
2/ Trong công việc, không ít người mang tâm lý “làm cho có”, hời hợt với trách nhiệm, đùa giỡn với cấp trên như bạn thân, nói xấu đồng nghiệp sau lưng nhưng lại tỏ ra hòa đồng trước mặt. Cái tôi thì lớn, còn kỹ năng thì chưa tới đâu. Coi nhẹ tổ chức, coi thường nỗ lực của người khác, và luôn cho rằng mình đáng được ghi nhận hơn thực tế.
3/ Đáng buồn nhất là sự cợt nhả trong chuyện nuôi dạy con cái. Nhiều người tự chọn sinh con, nhưng không có nổi hai giờ nghiêm túc mỗi ngày để trò chuyện với con, không đủ kiên nhẫn để dạy con điều đúng sai, nhưng lại đủ lý do để than thở rằng con không biết điều, không chịu nghe lời. Họ không biết, đứa trẻ không học được điều gì từ một người lớn dễ dãi với chính mình.
4/ Còn trong tình yêu, sự cợt nhả thể hiện qua thói quen “yêu nhiều người cho đỡ cô đơn”, tự cho mình quyền điều khiển cảm xúc người khác nhưng lại né tránh mọi cam kết. Đến lúc bị tổn thương thì lại đổ lỗi cho tình yêu sai, mà không nhận ra chính mình mới là người sai cách yêu. Trong tình bạn, họ hứa cho sang mồm rồi mất hút, thích thì rủ, không thích thì block. Cảm xúc của người khác trở thành thứ có cũng được, không cũng chẳng sao.
5/ Và trên mạng xã hội – nơi lý trí đôi khi bị đánh đổi chỉ để “vui miệng” – nhiều người chia sẻ, bình luận, kết luận… như thể đó là sân chơi vô trách nhiệm. Không cần hiểu biết, chỉ cần vài cái share, vài dòng “có vẻ đúng” là đủ để ném đá một ai đó đến cùng đường.
Chúng ta không thiếu những người thông minh, chỉ là có quá nhiều người chọn thông minh theo cách dễ dãi và ồn ào. Và rồi họ tự hỏi vì sao mình không được tôn trọng, không được ai tin tưởng lâu dài. Nhưng sự thật là – không ai có thể xây một cuộc đời đàng hoàng trên nền móng cợt nhả.
Bạn có thể từng là người cợt nhả, tôi cũng vậy. Nhưng nếu đủ tỉnh táo để nhìn lại và đủ can đảm để thay đổi, ta vẫn có thể chọn sống khác đi – tử tế hơn, nghiêm túc hơn với chính cuộc đời của mình. Vì cuối cùng, thứ khiến ta đáng tin, đáng trọng, đáng yêu… chưa bao giờ là vài câu đùa vui, mà là cách ta đối đãi với từng phần trong cuộc sống bằng lòng trân trọng thật sự.
—
Hoa Tara – www.hoatara.vn
“Trưởng thành không phải là khi bạn bớt cợt nhả với người khác, mà là khi bạn bớt cợt nhả với chính bản thân mình.”
Nếu bạn đã đọc đến đây…cảm ơn bạn đã dành thời gian ngẫm nghĩ cùng Hoa Tara và đừng giữ nó cho riêng mình, biết đâu sự chia sẻ của bạn có thể là một cánh tay nâng đỡ cả thế hệ tiếp theo của chúng ta…